Ở TPHCM có vụ tranh chấp căn nhà 317 Trần Bình Trọng nhà đã trải qua 33 năm. Bà Trịnh Tú Toàn mua căn nhà của ông Nguyễn Thành Công do HTX Tín dụng Bưu Điện phát mãi năm 1991, sau đó được sang nhượng qua 6 đời chủ đều được cấp giấy chứng nhận sở hữu hợp lệ.
Bất ngờ, ông Công kiện bà Toàn đòi nhà. Ông Công cho rằng đã trả tổng cộng 1,52 tỷ đồng và 194 lượng vàng 24K cho HTX Bưu Điện. Sau khi trừ đi số tiền 814,8 triệu đồng tiền nợ gốc và lãi thì vẫn còn dư tiền. Nên HTX phát mãi căn nhà là sai.
Theo phản ánh của báo chí từ hồ sơ vụ án: Ông Công cung cấp cho cơ quan chức năng "biên bản v/v xác định việc giao nhận tiền, vàng và văn tự nhượng, thụ nhượng nhà", các phiếu thu 972 triệu đồng và 194 lượng vàng cùng văn bản thể hiện đại diện HTX Tín dụng Bưu Điện đã nhận của ông 1,5 tỷ đồng và 194 lượng vàng.
Tuy nhiên, bản giám định KHHS Bộ Công an kết luận chữ ký trên phiếu thu và biên bản nói trên "không phải do một người ký ra", nghĩa là tài liệu chứng cứ mà ông Công cung cấp có dấu hiệu giả mạo chữ ký.
Chưa hết, "giấy phép mua bán chuyển dịch nhà" số 69/GP-MB7 do Sở Nhà đất cấp ngày 4/1/1990 cho căn nhà 317 Trần Bình Trọng được ông Công dùng 3 bản chính để thế chấp 3 nơi và đã bị phòng công chứng phát hiện.
Vụ án này, TAND TPHCM sơ thẩm bất ngờ tuyên ông Công thắng kiện. Sau đó, cấp phúc thẩm tuyên hủy sơ thẩm, bác yêu cầu nguyên đơn. Căn nhà lúc này được ông Trương Công Minh mua lại, được cấp chứng nhận sở hữu và làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng.
Bất ngờ, cấp giám đốc thẩm vào cuộc tuyên hủy phúc thẩm xử lại. Vụ án kéo dài 33 năm và liên quan tới nhiều cá nhân, tổ chức vẫn rối như canh hẹ chưa có lối ra.
Từ những phản ánh về vụ án, có thể thấy toà án các cấp đã "đánh rơi" các nguyên tắc pháp lý căn bản. Đầu tiên là toà sơ thẩm đã bỏ qua nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung" khi căn cứ các tài liệu photo và các tình tiết quan trọng để tuyên ông Công thắng kiện.
Thứ hai, từ tranh chấp giữa đời chủ đầu tiên và thứ hai, toà các cấp đã bỏ quên các đời chủ sau cùng một ngân hàng liên quan. Tài sản hợp pháp qua mua bán của họ thuộc "bên thứ ba ngay tình" nguyên tắc được luật pháp bảo vệ nhưng đang bị "treo" và có nguy cơ mất trắng vì rủi ro tố tụng.
Có lẽ còn rất nhiều phiên toà sắp tới trong vụ án kỳ lạ này. Và nếu các phiên toà tiếp theo, việc vận dụng các nguyên tắc bất di bất dịch của tố tụng còn bị bỏ quên thì câu nói "án dân sự xử sao cũng được" mãi là chân lý!
(Theo FB: Nguyễn Tiến Tường)