Lão nông tôi thích nhất sự hào hứng của TBT Tô Lâm khi ông tuyên bố : Chúng ta giảm thuế nhưng thu ngân sách lại tăng mạnh. Câu nói này ít được giới truyền thông quan tâm, nhưng là cái tát mạnh vào mồm những “chuyên gia” suốt ngày tính toán khi thuế giảm thì ngân sách sẽ hụt thu bao nhiêu. Và tôi xin nhắc điều tôi từng nhấn mạnh từ nhiều năm trước : Một nhà nước giảm thuế là nhà nước tốt, một nhà nước tăng thuế là một nhà nước tệ.
Xin trở lại Thỏa thuận thương mại Việt-Mỹ nhiều người đang bàn cãi.
+ Việc Mỹ áp thuế quan 20% đối với hàng hóa Việt Nam (và 40% đối với hàng hóa trung chuyển) là vấn đề của nhà nước và của doanh nghiệp, không phải là vấn đề của người dân. Đây là thách thức buộc các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu phải cải cách để tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao chất lượng và hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh và nhà nước sẽ hỗ trợ sự cải cách này bằng luật lệ và các biện pháp của thị trường. Và trong tương lại không xa, khi các rào cản phi thuế quan của chúng ta giảm thiểu ngang với Mỹ thì thuế quan của hàng hóa Việt Nam vào Mỹ cũng sẽ bằng với thuế quan của hàng hóa Mỹ vào Việt Nam.
Cần nhớ, chính quyền Trump chủ trương “thương mại công bằng”. Công bằng ở đây không phải là mức thuế bằng nhau, mà là rào cản công bằng, bao gồm thuế và phi thuế.

+ Đối với người dân và cả nền kinh tế. Hàng hóa Mỹ nhập vào Việt Nam đang còn khiêm tốn, mới chỉ đạt hơn 15 tỷ đô la (chưa tính dịch vụ) vào năm 2024 và đang tăng trong 5 tháng đầu năm nay, nhưng với mức thuế bằng 0 thì hàng hóa Mỹ nhập vào Việt Nam sẽ tăng rất mạnh. Và sẽ có ít nhất 5 điều lợi :
Thứ nhứt. Do giá rẻ, người dân sẽ tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa Mỹ. Khi chất lượng tiêu dùng không giảm mà chi phí tiêu dùng giảm sẽ khiến cho sức mua của dân chúng tăng. Giá tiêu dùng giảm sẽ giúp lạm phát được kiềm chế tốt hơn.
Thứ hai. Nhiều doanh nghiệp sẽ thay thế nguyên liệu, linh kiện, thiết bị đầu vào bằng hàng hóa Mỹ với giá rẻ hơn. Điều này khiến cho chi phí đầu vào giảm, tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa của họ.
Thứ ba. Do sức ép cạnh tranh từ hàng hóa Mỹ, các doanh nghiệp trong nước (bao gồm doanh nghiệp FDI) buộc phải hạ giá bán những hàng hóa tương ứng để cạnh tranh, rất có lợi cho người tiêu dùng.
Thứ tư. Để cạnh tranh được với hàng hóa Mỹ, hàng hóa các nước khác nhập vào Việt Nam cũng phải giảm giá. Để giảm giá, các nước này sẽ phải giảm những hạn chế thương mại đối với hàng hóa Việt Nam để đổi lại việc giảm thuế từ Việt Nam đối với hàng hóa của họ.
Thứ năm. Khi sức mua của dân chúng tăng và giá thành sản xuất của doanh nghiệp giảm, cùng với chính sách phát triển kinh tế tư nhân và chính sách tự chủ đối với doanh nghiệp nhà nước, sẽ kích hoạt mạnh mẽ đầu tư trong nước. Khi ấy, nguồn thu cho ngân sách sẽ tăng nhiều hơn, dù thuế giảm và không cần thuế nhập khẩu.
Đó là 5 lợi ích kép có thể sẽ đạt được trong tương lai gần, bắt đầu từ giảm thuế bằng 0 cho hàng hóa Mỹ. Tất nhiên, những gì sẽ diễn ra rất khó dự đoán chính xác vì còn liên quan đến nhiều yếu tố khó lường.
Nói “kỷ nguyên vươn mình”, về kinh tế là kỷ nguyên giảm thuế, xóa bỏ bảo hộ, khai thông những điểm nghẽn thể chế cho kinh tế thị trường vận hành đầy đủ.
Với thị trường 100 triệu dân sức mua đang tăng, với một nền kinh tế đang tăng trưởng tốc độ cao, với sự quyết đoán của lãnh đạo quốc gia, Việt Nam có đủ tư thế trong mọi cuộc đàm phán thương mại theo nguyên tắc của thị trường. Thời kỳ dùng sức ép chính trị trong đàm phán thương mại của phương Tây đối với Việt Nam đã qua rồi nhé !
HOÀNG HẢI VÂN