Cụ thể, doanh nghiệp hoặc chi nhánh bảo hiểm vi phạm sẽ đối mặt với mức phạt từ 60-100 triệu đồng nếu không làm rõ quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, hay các quyền và nghĩa vụ của người mua bảo hiểm. Hành vi đe dọa, ép buộc khách hàng hoặc không cung cấp tài liệu hợp lệ cũng sẽ bị xử lý tương tự, kèm theo biện pháp khắc phục như cung cấp đủ thông tin cho khách hàng.
Đối với trường hợp gian lận bảo hiểm như giả mạo tài liệu, thông đồng để bồi thường trái phép, mức phạt có thể dao động từ 20-200 triệu đồng, tùy mức độ thiệt hại. Các cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt.
Ngoài ra, hành vi quảng cáo sai lệch sản phẩm bảo hiểm nhân thọ sẽ bị phạt từ 80-100 triệu đồng. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không tuân thủ quy định về tiêu chuẩn người quản lý hoặc thay đổi nhân sự mà không thông báo Bộ Tài chính cũng phải đối mặt mức phạt 140-180 triệu đồng.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy hiện có 85 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam, bao gồm 19 công ty bảo hiểm nhân thọ. Năm qua, cơ quan này đã thanh tra 6 doanh nghiệp, trong đó có Mirae Asset Prévoir và Cathay Life Việt Nam, hai đơn vị bán sản phẩm liên kết đầu tư với ngân hàng.
Xem thêm: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tu-van-bao-hiem-khong-ro-rang-bi-phat-100-trieu-dong-20250102112701496.htm