Chị Ngọc Như, sống tại TP.HCM, kể lại lần đặt thực phẩm về nhà nhưng bị shipper gọi điện hối thúc: "20 phút nữa em tới, chị không có nhà em hủy đơn!" Dù đã ghi chú rõ thời gian giao hàng phù hợp, chị vẫn bị buộc phải về gấp để nhận hàng vì shipper không đồng ý chờ.
Không chỉ dừng lại ở thực phẩm, việc đặt dịch vụ vận chuyển đồ đạc cũng khiến nhiều người khó chịu. Chị Thiên Kim, Gò Vấp, cho biết chị đã đặt dịch vụ bốc xếp, nhưng tài xế từ chối phụ khuân vác với lý do… ngại mệt. "Nếu không muốn làm thì tại sao nhận đơn?", chị bức xúc.
Một số nền tảng giao hàng còn gây tranh cãi với chính sách tận thu. Khách hàng phản ánh rằng nếu không trả thêm "phí ưu tiên" từ 50.000 - 200.000 đồng, rất khó để đặt được chuyến nhanh chóng. Chị Kim phải đợi gần một tiếng để tìm tài xế, nhưng chỉ sau vài phút trả thêm phí, xe đã nhận đơn.
Dịch vụ giao hàng vốn là cầu nối giữa người mua và người bán, nhưng cách làm thiếu trách nhiệm của một số shipper khiến cả hai bên đều phiền lòng. Nhiều shipper thậm chí tự ý gửi hàng sang nhà hàng xóm hoặc có thái độ thờ ơ với những đơn hàng không mang lại lợi nhuận trực tiếp.
Khách hàng đề nghị các nền tảng nên cải thiện hệ thống vận hành, đồng thời cần chính sách giám sát thái độ làm việc của shipper. "Giao hàng thì phải đúng giờ, đúng nơi, và có trách nhiệm. Đừng để mỗi lần đặt hàng là một lần căng thẳng!", một người dùng mạng xã hội bày tỏ.
Câu chuyện không chỉ phản ánh vấn đề thái độ mà còn là lời nhắc nhở về việc xây dựng môi trường mua sắm minh bạch, chuyên nghiệp hơn. Liệu mua sắm online có còn là giải pháp tối ưu khi trải nghiệm khách hàng ngày càng giảm sút?
Xem thêm: https://tuoitre.vn/shipper-gat-gong-hoi-khach-het-muon-mua-hang-20241203165124664.htm#content