BCTC OCB quý II/2024: Nợ xấu tăng 22%, lợi nhuận giảm, cổ đông chiến lược nắm giữ 81% vốn

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) cho thấy, chất lượng tín dụng tại ngân hàng này tiếp tục gặp khó khăn khi tổng nợ xấu tính đến ngày 30/06/2024 tăng 22% so với đầu năm, từ 3.904 tỷ đồng lên hơn 4.767 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh 38%, đạt hơn 2.314 tỷ đồng.
tctdvn-bctc-ocb-quy-ii2024-no-xau-tang-22-loi-nhuan-giam-co-dong-chien-luoc-nam-giu-81-von-1723388351.jpg
Nợ có khả năng mất vốn tại OCB tăng 38% lên hơn 2.300 tỷ đồng

Chi phí "bào mòn" lợi nhuận tại OCB

Trong quý II/2024, OCB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt gần 1.987 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các nguồn thu ngoài lãi lại sụt giảm mạnh. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 40% còn hơn 150 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 69%, chỉ còn hơn 245 triệu đồng; và mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lãi gần 204 tỷ đồng.

Mặc dù lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 70%, đạt hơn 105 tỷ đồng, và lãi thuần từ hoạt động khác tăng gần 5 lần, đạt gần 135 tỷ đồng, tổng thu nhập hoạt động của OCB trong quý II/2024 chỉ đạt hơn 2.272 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ.

anh-220240809082133-1723388477.png
Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2024 tại OCB.

Chi phí tăng cao và lợi nhuận sụt giảm

Chi phí hoạt động của OCB trong quý II/2024 tăng 45%, lên hơn 955 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí nhân viên tăng 49%, đạt 584 tỷ đồng; chi phí về tài sản tăng 20%, đạt 143 tỷ đồng; và chi phí quản lý công vụ tăng 64%, lên 199 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng gấp 3 lần, lên gần 419 tỷ đồng.

Kết quả, OCB báo lãi trước thuế và sau thuế lần lượt đạt hơn 898 tỷ đồng và gần 717 tỷ đồng trong quý II/2024, cùng giảm 43% so với cùng kỳ năm 2023.

Tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2024

Trong 6 tháng đầu năm 2024, OCB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt hơn 3.887 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của ngân hàng lần lượt đạt 2.113 tỷ đồng và hơn 1.670 tỷ đồng, giảm 17% và 18% so với cùng kỳ năm trước. Được biết, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cho năm 2024 là 6.885 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành 31% chỉ tiêu.

Theo giải trình của OCB, sự giảm sút lợi nhuận chủ yếu do hoạt động đầu tư và kinh doanh trái phiếu Chính phủ giảm hơn 309 tỷ đồng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, dù quy mô hoạt động tăng trưởng nhưng thu nhập từ lãi không đáng kể do ngân hàng chủ động hỗ trợ khách hàng với lãi suất và phí thấp hơn.

Ngoài ra, OCB cũng cho biết chi phí hoạt động tăng do ngân hàng đầu tư vào hệ thống công nghệ để thực hiện chiến lược chuyển đổi số và mở rộng mạng lưới hoạt động. Đồng thời, chi phí dự phòng tăng nhằm nâng cao chất lượng tài sản và tạo bộ đệm dự phòng vững chắc trước những biến động khó lường của thị trường.

Nợ xấu tiếp tục tăng cao

Tính đến 30/06/2024, tổng tài sản của OCB đạt hơn 238.883 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt hơn 152.708 tỷ đồng, tăng gần 4% so với đầu năm. Tuy nhiên, tổng nợ xấu của ngân hàng lại tăng 22%, lên hơn 4.767 tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,65% lên 3,12%, vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đặc biệt, OCB ghi nhận hơn 31.586 tỷ đồng chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, bao gồm 15.805 tỷ đồng chứng khoán nợ do Chính phủ phát hành, 12.600 tỷ đồng chứng khoán nợ của các tổ chức tín dụng trong nước, và hơn 3.154 tỷ đồng chứng khoán nợ của các tổ chức kinh tế trong nước.

anh-320240809082204-1723388529.png
 

Cổ đông lớn và áp lực tuân thủ quy định

anh-420240809082303-1723388528.png
nhóm cổ đông liên quan đến ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, đang nắm giữ tổng cộng 19,92% vốn điều lệ, vượt mức quy định

Theo quy định tại Điều 63 Luật Các TCTD 2024, cổ đông cá nhân không được nắm giữ quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng, và cổ đông tổ chức không được nắm giữ quá 10%. Tuy nhiên, OCB hiện có nhóm cổ đông liên quan đến ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, đang nắm giữ tổng cộng 19,92% vốn điều lệ, vượt mức quy định. Điều này có thể đặt ra áp lực lớn cho ngân hàng trong việc tuân thủ quy định và điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần trong thời gian tới.

Theo Petrtimes

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/no-co-kha-nang-mat-von-tai-ngan-hang-ocb-tang-38-len-hon-2300-ty-dong-715619.html