Ai đang nắm giữ quyền lực tài chính? Điểm danh 'ông lớn' ngoại sở hữu cổ phần tại các ngân hàng Việt

Dù thị trường mới nổi và cận biên đang chứng kiến làn sóng rút vốn mạnh mẽ, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho các cổ đông ngoại với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn, nắm giữ lượng cổ phiếu đáng kể.

Theo danh sách công bố ngày 20/8 của VPBank, quỹ mở Tianhong Vietnamese Market Equity Launched QDII Fund (Trung Quốc) hiện sở hữu hơn 91 triệu cổ phần VPB, tương đương 1,15% vốn điều lệ. Đồng thời, quỹ Composite Capital Master Fund LP (quần đảo Cayman, Anh) cũng nắm giữ hơn 135 triệu cổ phiếu VPB, tương ứng 1,7% vốn điều lệ, giảm từ mức 2,7% so với thông tin trước đó vào ngày 19/7.

Bên cạnh đó, danh sách cổ đông tổ chức của VPBank còn có sự góp mặt của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), một trong những cổ đông lớn nhất với 15% vốn điều lệ.

Tại MB, quỹ Pyn Elite Fund đã xuất hiện trong danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ, với tỷ lệ nắm giữ 86,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,63% vốn.

Trong khi đó, HDBank ghi nhận sự tham gia của hai quỹ ngoại lớn. Quỹ đầu tư Phần Lan Pyn Elite Fund sở hữu 2,2% vốn điều lệ, trong khi quỹ Baillie Gifford Pacific Fund nắm giữ 2,19%. Các quỹ này cũng đang sở hữu một số cổ phiếu của các ngân hàng khác như STB, MBB, CTG, SHB, TPB và VCB.

Một trường hợp đáng chú ý khác là OCB, với ba cổ đông ngoại: Aozora Bank, Ltd; Portal Global Limited; và Pyn Elite Fund (Non-Ucits), lần lượt chiếm 15%, 3,03% và 2,42% vốn điều lệ.

ngan-hang-2-1000-1724896649.jpg
 

Tại ABBank, Maybank – cổ đông chiến lược – đang sở hữu 16,39% vốn điều lệ, giữ vị trí cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao nhất. Tại ACB, ba tổ chức ngoại là Smallcap World Fund, Inc., Boardwalk South Limited và VOF PE Holding 5 Limited cùng sở hữu hơn 6% vốn điều lệ.

Nhóm Big4 ngân hàng cũng không ngoại lệ, với sự hiện diện của cổ đông nước ngoài. Chẳng hạn, Mizuho Corporate Bank đang là cổ đông chiến lược của Vietcombank, nắm giữ 15% vốn. Ngoài ra, Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) cũng sở hữu 1,67% vốn của Vietcombank.

Tại VietinBank, Ngân hàng MUFG của Nhật Bản hiện là cổ đông ngoại lớn nhất, sở hữu hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng 19,73% vốn điều lệ.

Theo quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, các ngân hàng phải công khai thông tin về các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài. Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường nắm bắt rõ hơn về cơ cấu sở hữu của các nhà băng, kể cả các cổ đông chiến lược nước ngoài.

Mặc dù có dự báo rằng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ vào ngành ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới, nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Những khó khăn này bao gồm tác động tiêu cực từ sự trầm lắng của thị trường vốn thế giới và các vấn đề liên quan đến giới hạn tỷ lệ sở hữu.

Theo Vietnamfinance

https://vietnamfinance.vn/diem-ten-ong-lon-nuoc-ngoai-so-huu-tren-1-von-tai-ngan-hang-viet-d115311.html