Trong năm 2021, hệ sinh thái thuộc TNR Holdings đã huy động thành công gần 11.000 tỉ đồng từ Trái Phiếu. Đáng nói, nhìn vào bức tranh tài chính các công ty huy động trái phiếu có thể thấy nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, chưa kể lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản lại đến chủ yếu từ doanh thu hoạt động tài chính.

Trái phiếu “3 không” của TNR Holding

Trên thị trường, không hiếm những hệ sinh thái thuộc các Tập đoàn có dư nợ Trái phiếu khủng, ví như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Novaland, nhóm Trung Nam Group.. và thật thiếu sót khi không nhắc đến hệ sinh thái thuộc TNR Holdings.

Theo công bố 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất năm 2021 của Bộ Tài Chính, có sự góp mặt của Công ty Cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (công ty thuộc TNR Holdings) phát hành tới 4.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, thông tin trên HNX cho biết, trong năm 2021 số tiền Địa ốc Việt Hân thu về từ phát hành trái phiếu đạt 4.300 tỉ đồng.

Ngoài Địa ốc Việt Hân, trong năm 2021, có 4 doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của TNR Holdings đã huy động trái phiếu với tổng giá trị 10.700 tỉ đồng. Đáng chú ý, hầu hết các lô trái phiếu của nhóm TNR Holdings đều là những lô trái phiếu không có tài sản đảm bảo.

Đầu tiên, có thể kể đến Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam với 5 lô Trái phiếu được phát hành thành công trong quý 4.2021 với tổng giá trị phát hành lên đến 2.300 tỉ đồng.

Điều đáng nói, toàn bộ các lô trái phiếu của TNR Holdings là trái phiếu "3 không" gồm: Không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Trái phiếu có lãi suất 10%/năm. TNR dự kiến sử dụng tiền thu được từ các đợt phát hành trái phiếu để thực hiện đầu tư vào các dự án bất động sản đang phát triển và vận hành và/hoặc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư khác của công ty và/hoặc tăng quy mô vốn hoạt động của công ty và/hoặc cơ cấu lại các khoản nợ của chính công ty.

Tiếp đến, một pháp nhân khác trong hệ sinh thái TNR Holdings là Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ cũng đã huy động thành công 6 lô trái phiếu trong năm 2021 với tổng giá trị huy động 2.800 tỉ đồng.

Tháng 10.2021, một thành viên khác là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Khu Công nghiệp EIP đã huy động thành công 1.010 tỉ đồng trái phiếu. Trong năm 2021, Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý Khách sạn TNH (TNH Hotels & Resorts) cũng đã huy động vốn thành công thông qua phát hành 4 lô trái phiếu trị giá 1.300 tỉ đồng.

Cần lưu ý rằng, năm 2021 không phải là năm đầu tiên hệ sinh thái TNR Holdings bắt đầu với cuộc chơi Trái phiếu, thông tin trên Cafeland cho biết, hai doanh nghiệp TNR Holdings và Hanoivid có khối lượng phát hành gần 17.000 tỉ đồng trái phiếu trong năm 2020, lọt top các doanh nghiệp có lượng trái phiếu phát hành nhiều nhất trong năm 2020. Trong đó nhiều lô trái phiếu không có tài sản đảm bảo.

Nợ gấp nhiều lần vốn chủ tại hệ sinh thái TNR Holdings

Điều đáng nói, tuy liên tiếp huy động các nguồn vốn từ kênh trái phiếu, song tình hình kinh doanh các pháp nhân thuộc hệ sinh thái TNR Holdings đứng ra huy động Trái phiếu lại tồn tại nhiều điểm gợn, nợ gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Đơn cử, tại Công ty Cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân, kết thúc năm 2021 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 488 tỉ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 20 tỉ đồng, giảm 6 tỉ đồng so với năm 2020.

Có thể thấy, lí do giúp lợi nhuận Địa ốc Việt Hân giảm nhẹ trong bối cảnh doanh thu giảm sâu, là nhờ khoản doanh thu hoạt động tài chính cao gấp gần 4 lần so với năm trước đó, đạt 295 tỉ đồng.

Điểm gợn đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Địa ốc Việt Hân là nợ phải trả tính đến cuối năm 2021 còn 14.996 tỉ đồng, tăng hơn 2.000 tỉ đồng sau 12 tháng, chiếm 79% tổng tài sản và cao gấp 3,7 lần vốn chủ sở hữu.

Tương tự, tại ngày 31.12.2021, nợ phải trả tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam lên đến 17.739 tỉ đồng, tăng 5.806 tỉ đồng, tương đương 48,7% so với cuối năm 2020, cao gấp 8,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới 89% tổng nguồn vốn.

Ngoài ra, dòng tiền của TNR Holdings cũng đáng báo động khi tại thời điểm cuối năm 2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TNR Holdings lên tới âm 1.169 tỉ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính là âm 3.145 tỉ đồng.

Tính đến cuối năm ngoái, nợ phải trả Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ còn 13.166 tỉ đồng, tăng hơn 4.000 tỉ đồng so với hồi đầu năm 2021, cao gấp 4,9 lần vốn chủ sở hữu.

Tương tự như Địa ốc Việt Hân, doanh thu hoạt động tài chính của Bất động Sản Mỹ gần 26 tỉ đồng trở thành cứu cánh giúp doanh nghiệp báo lợi nhuận sau thuế gần 12 tỉ đồng (năm 2020 đat 9 tỉ đồng), bất chấp doanh thu trong kỳ chỉ vỏn vẹn 7 tỉ đồng, giảm đến 44 lần so với năm ngoái.

Tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Khu Công nghiệp EIP, nợ phải trả đến ngày 31.12.2021 còn 3.216 tỉ đồng, cao gấp 3 lần vốn chủ. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu gần 43 tỉ đồng, song lợi nhuận chỉ mang tính chất tượng trưng khi chỉ thu về vỏn vẹn gần 800 triệu đồng năm 2021.

Năm 2021, doanh thu Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý Khách sạn TNH đạt hơn 24 tỉ đồng, tuy nhiên cũng giống như EIP, lợi nhuận công ty đưa về rất mỏng với chỉ gần 800 triệu đồng. Nợ phải trả (5.649 tỉ đồng) gấp 8,4 lần vốn chủ (670 tỉ đồng) là điểm nhấn đáng chú ý nhất trong bức tranh tài chính của Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý Khách sạn TNH trong năm vừa qua.