Hôm nay có thông tin "...... thanh tra ngay các ngân hàng tăng lãi suất huy động". Xét về sự quyết liệt và đồng bộ theo định hướng chung của tập thể thì đây thực sự là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên xét về bối cảnh thì có thể chúng ta cần suy nghĩ khác đi.
Lãi suất là "giá" của Tiền, Cung tiền là "lượng" của Tiền. Việc thúc ép các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động trong bối cảnh "lạm phát kỳ vọng" gia tăng, chênh lệch lãi suất huy động VND trong nước và USD quốc tế tính cả rủi ro tỷ giá vẫn là âm và "chênh lệch tín dụng huy động" leo cao như hiện nay sẽ có nguy cơ càng làm suy giảm "lượng", hay nói cách khác tăng trưởng cung tiền sẽ càng khó cải thiện, tăng trưởng kinh tế càng khó đạt mục tiêu.
Tại sao lại như vậy. Lý do là bởi Cung tiền M2 = Cash + Deposit. Trong ngắn và trung hạn tăng trưởng của Tiền gửi sẽ chi phối trực tiếp tăng trưởng cung tiền. Điều gì sẽ xảy ra nếu lãi suất huy động bị dìm quá thấp trong bối cảnh hiện nay?
(1) Lạm phát cảm nhận kỳ vọng > Lãi suất huy động VND sẽ dẫn đến dân cư ưa thích tài sản có yếu tố quốc tế hơn, chẳng hạn như USD, vàng, tiền số, tiền gửi quốc tế, .... Nếu lượng tiền này chu chuyển trong nước thì không sao, nhưng nếu nó được dịch chuyển ra nước ngoài thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có áp lực tỷ giá và giảm sút số nhân tiền.
(2) Lãi suất huy động VND < Lãi suất của USD + kỳ vọng mất giá VND/USD. Ví dụ: Của VND 1Y 5.5%, của USD 1Y 3.5% + 5% (kỳ vọng mất giá trong năm 2025) thì bạn sẽ chọn gửi tiền ở đâu? Tương tự như vậy thì nếu phải đi vay thì bạn sẽ vay ở đâu? Vậy nên chênh lệch âm lãi suất ở thị trường dân cư là một vấn đề rất rất lớn. Nó gây áp lực vô cùng lớn lên sự dịch chuyển huy động và tín dụng trên cán cân tổng thể. Đây mới thực sự là vấn đề gây áp lực tỷ giá trong trung dài hạn, chứ mấy ông mua bán trên sàn chứng khoán thì quá nhỏ bé so với luồng vốn này.
Trước năm 2022 mỗi quý chúng ta có được trung bình 1.5-2 tỷ USD chảy vào từ huy động tiền gửi và tín dụng quốc tế, nhưng giờ thì mỗi quý bị chảy ra 3-4 tỷ USD. Đó là chưa kể đến những luồng vốn "sai số" không kê khai được trung bình khoảng 5-6 tỷ USD mỗi quý. Thực sự cứ thế này thì dự trữ ngoại hối gồng không nổi.
Hệ lụy với hệ thống ngân hàng là gì? Càng giảm lãi suất dân cư thì càng nhiều USD bị rút ra khỏi Việt Nam. Chúng ta lại không thể buông tỷ giá do nền kinh tế độ mở cao, bán USD can thiệp lại là điều phải làm. Càng bán USD can thiệp thì càng hút VND khỏi nền kinh tế, cung tiền trong nền kinh tế lại càng chịu áp lực, hiệu ứng giàu có lại càng suy giảm, áp lực tăng trưởng bên trong càng yếu, lại càng phải đi tìm nguồn lực tăng trưởng từ bên ngoài. Vốn tín dụng quốc tế gặp khó thì lại thúc vốn FII và FDI. Kéo 2 ông này vào bằng mọi giá chẳng tốt đẹp gì cho thế hệ sau.
(3) Cuối cùng là chênh lệch lãi suất huy động và tín dụng (theo thước đo do SBV công bố) xét cả về giá trị tuyệt đối và tăng trưởng thì đều đang liên tục ghi nhận những con số kỷ lục. Tính đến cuối năm 2024, hệ thống bank đang cho vay 15.3 triệu tỷ nhưng huy động chỉ khoảng 14.8 triệu tỷ. Nếu giảm cả lãi suất huy động và cho vay ngay lúc này, song song với đó thúc tăng trưởng tín dụng thì sẽ làm khoảng cách này càng tăng cao, sớm muộn gì cũng để lại những hệ lụy lớn cho cả hệ thống và nền kinh tế.
Như vậy rõ ràng. Câu chuyện gấp rút bây giờ không phải là đánh đổi giữa Lãi suất - Tỷ giá - Lạm phát. Mà câu chuyện phải là đánh đổi trực diện là giữa Lãi suất và Cung tiền. Hay giữa Giá và Lượng. Thứ mà tưởng chừng như luôn đi cùng pha, nhưng thực sự lúc này lại đang ngược pha.
Cơ quan quản lý nên cân đo đong đếm lựa chọn bài toán giữa hai yếu tố này. Nền kinh tế và doanh nghiệp bây giờ có cần lãi suất thấp không hay họ cần tiền nhiều hơn, vòng xoay kinh tế mạnh hơn, người mua kẻ bán tấp lập hơn ?! Chứ lãi suất thấp mà vay về mở rộng sản xuất nhưng không bán được hàng thì sau này có khi "cả làng" lại mệt. Đó là chưa kể đến lãi suất thấp một cách phi thị trường cũng sẽ làm lệch lạc không ít con số trên balance của bank và chéo đến cả tỷ giá, lạm phát.
Lại nhớ đến câu nói "Đau bụng, uống Sâm"!
P/s: So với các bậc tiền bối nằm trong ban tư vấn kinh tế chính phủ thì người viết thực sự là quá nhỏ bé nên chỉ dám đóng góp thêm chút quan điểm cá nhân của một người đam mê nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô Tiền tệ. Quan điểm có thể không tránh khỏi những thiếu sót!
Cre: Trần Ngọc Báu