Bài toán cuộc đời '36 năm kiếm 16 tỷ đồng'

Một người tính toán rằng trong 36 năm đi làm, mỗi tháng phải kiếm gần 40 triệu đồng mới đủ lo cho gia đình.
76056781-8b88-4bd7-853b-b362e6-6290-1165-1739784510-1739861159.jpg
 

Có lần, trong một cuộc trò chuyện với một người bạn cũ, tôi nghe anh kể về hành trình hơn 20 năm đi làm của mình. Khi mới ra trường, anh chỉ mong có một công việc đủ sống, đủ tiền thuê trọ, ăn uống đơn giản và dư một ít để gửi về cho bố mẹ.

Nhưng rồi cuộc sống cuốn anh vào guồng quay của những mục tiêu lớn hơn: mua nhà, mua xe, lập gia đình, nuôi con... Cứ thế, mỗi cột mốc anh đạt được lại mở ra một áp lực mới, để rồi đến tuổi 40, khi nhìn lại, anh tự hỏi mình đã thực sự sống hay chỉ đang chạy theo những con số.

Một lần trên mạng, tôi thấy một người thống kê những chi phí trong cả một đời người, gọi là "Bảng khái toán đời người".

Bảng khái toán về chi phí cuộc đời với con số gần 16 tỷ đồng có thể khiến nhiều người giật mình, nhưng thực tế nó phản ánh khá sát thực tế cuộc sống.

Chúng ta ai cũng muốn có một cuộc đời đầy đủ, nhưng câu hỏi đặt ra là phải làm sao để vừa có tiền tích lũy, vừa tận hưởng cuộc sống mà không bị gánh nặng tài chính đè nặng?

Tôi từng gặp nhiều người dành cả tuổi trẻ để tích cóp, dè sẻn từng đồng với mong muốn có một khoản tiết kiệm vững chắc. Họ làm việc không ngơi nghỉ, từ chối những cuộc gặp gỡ bạn bè, những chuyến đi chơi xa, thậm chí hy sinh cả sở thích cá nhân chỉ để đạt được mục tiêu tài chính. Nhưng rồi đến một lúc nào đó, họ nhận ra mình đã bỏ lỡ quá nhiều khoảnh khắc đẹp của tuổi trẻ.

Ngược lại, cũng có những người sống hết mình cho hiện tại, kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, thậm chí vay mượn để hưởng thụ trước rồi mới tính sau. Họ có thể tận hưởng những chuyến du lịch xa hoa, những bữa ăn sang trọng, những món đồ hàng hiệu nhưng đến khi đối diện với biến cố tài chính, họ mới thấy mình không có gì trong tay.

Tôi cũng từng đứng giữa hai lựa chọn ấy. Có giai đoạn, tôi cố gắng tiết kiệm gần như toàn bộ thu nhập, từ chối những buổi đi chơi cuối tuần, những sở thích cá nhân chỉ vì muốn sớm mua được một căn nhà.

Nhưng rồi tôi nhận ra, mình đang đánh đổi những niềm vui nhỏ bé của hiện tại để theo đuổi một tương lai chưa biết chắc có hạnh phúc hay không. Tôi dần học cách cân bằng: tiết kiệm có kế hoạch nhưng vẫn cho phép bản thân tận hưởng cuộc sống theo cách hợp lý.

Vấn đề không nằm ở việc phải tiết kiệm bao nhiêu hay tiêu dùng thế nào, mà là ở cách chúng ta quản lý tài chính sao cho phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của mình. Quan trọng hơn, nếu có gia đình, ta không chỉ lo cho bản thân mà còn phải nghĩ đến việc nuôi dạy con cái.

Nhiều người cho rằng đầu tư cho con là khoản đầu tư xứng đáng nhất, nhưng thực tế, không phải cứ đổ tiền vào trường học đắt đỏ, lớp học thêm liên tục là con cái sẽ thành công.

Tôi từng chứng kiến không ít bậc phụ huynh dành phần lớn thu nhập để con được học trường quốc tế, tham gia hàng loạt khóa học phát triển kỹ năng nhưng lại quên mất rằng, điều quan trọng nhất là giúp con tự lập và biết giá trị của đồng tiền.

Tôi nhớ có lần, một người anh họ kể rằng anh đã cho con 200 nghìn đồng và bảo con tự mua đồ ăn cho cả gia đình một ngày. Cậu bé 12 tuổi ban đầu rất bối rối, nhưng sau đó, thay vì mua đồ ăn sẵn, cậu đã chọn cách đi chợ, tự tay nấu những món đơn giản. Đó là lần đầu tiên cậu nhận ra 200 nghìn đồng không hề lớn và biết cách chi tiêu hợp lý. Đôi khi, những bài học thực tế như vậy lại giá trị hơn nhiều so với những kiến thức trên sách vở.

'Lương 21 triệu nhưng không có 700 nghìn cho bố đi viện'

'Lương 21 triệu nhưng không có 700 nghìn cho bố đi viện'

Nếu cuộc sống toàn những chuyện êm đềm, thì nhiều người đã không cố gắng chi tiêu tiết kiệm mà sẽ tiêu xài thỏa thích theo nhu cầu bản thân. 63

Suy cho cùng, sống, tích lũy và nuôi con không phải là những việc tách biệt mà là một bài toán cần được cân bằng. Ta không thể sống mà không nghĩ đến tương lai, cũng không thể chỉ lo cho ngày mai mà quên đi hiện tại.

Một cuộc sống ý nghĩa không nằm ở con số trong tài khoản, mà ở cách ta tận hưởng từng khoảnh khắc, biết đủ và biết cách quản lý những gì mình có. Nếu tìm được điểm cân bằng ấy, chúng ta không chỉ có một cuộc đời đủ đầy, mà còn là một cuộc đời hạnh phúc.

Nguồn VNE