VÌ sao Sovico Group đã huy động hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu qua đó nâng tổng tài sản tăng gấp hàng chục lần sau 3 năm. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của tập đoàn này gây bất ngờ khi doanh thu trong giai đoạn gần đây chỉ ở mức “tượng trưng”.

Khởi nghiệp từ thập niên 90 của thế kỷ trước, đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Sovico (Sovico Group)đã đạt được nhiều thành tựu hoạt động trên các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế: Tài chính - Ngân hàng; Hàng Không; Bất động sản; Năng lượng; Quản lý tài sản và Đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, Sovico Group cũng đang phải đối diện với tình trạng nợ trái phiếu ở mức “khủng”. Theo dữ liệu tài chính, các doanh nghiệp liên quan đến Sovico Group đã huy động tổng cộng hơn 50.000 tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm 2019 đến nay. Nếu tính cả HDBank (nằm trong hệ sinh thái của Sovico Group), con số thậm chí còn lên đến khoảng 69.000 tỷ đồng.

Theo dữ liệu tài chính từ cơ quan chức năng, Sovico Group có hơn 100 lô trái phiếu phát hành trong giai đoạn từ đầu năm 2019 đến nay với tổng giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trong đó, riêng trong năm 2021, Công ty cổ phần tập đoàn Sovico phát hành 5 lô trái phiếu trong năm 2021 với giá trị 6.000 tỷ đồng; Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long phát hành lô trái phiếu giá trị 2.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2021 và 2022, HDBank có 33 lô trái phiếu, trong đó có lô phát hành bằng USD, tổng giá trị 165 triệu USD và 32 lô phát hành bằng VND, tổng giá trị 19.330 tỷ đồng.

Phần lớn các trái phiếu do Sovico Group phát hành đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, được tư vấn phát hành bởi Công ty cổ phần Chứng khoán HDB, một công ty thuộc hệ sinh thái Sovico Group.

Theo tìm hiểu, sau khi tăng vốn khủng vào năm 2019, vốn điều lệ của Sovico Group được duy trì ở mức 9.600 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021. Vốn chủ sở hữu của tập đoàn này cũng đi ngang ở mức 9.800 tỷ đồng do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích lũy trong 2 năm 2020 và 2021 gần như không đáng kể.

Nhờ vào việc “hút” tiền qua kênh trái phiếu, Sovico đã đẩy nợ phải trả liên tục tăng mạnh từ con số chưa đến 800 tỷ đồng vào cuối năm 2018 lên đến gần 33.500 tỷ đồng vào cuối năm 2021, gấp gần 42 lần sau 3 năm. Con số này cũng gấp 4,3 lần vốn chủ sở hữu cho thấy mức độ sử dụng đòn bẩy rất cao của tập đoàn này.

Cũng nhờ trái phiếu, tổng tài sản của Sovico Group tăng chóng mặt từ mức chỉ hơn 900 tỷ đồng vào cuối năm 2018 lên đến 43.316 tỷ đồng vào cuối năm 2021, tức là gấp 47,5 lần sau 3 năm. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh lại không hề tương xứng với quy mô khổng lồ cũng như tốc độ mở rộng của của tập đoàn này.

Theo dữ liệu tài chính 5 năm trở lại đây, Sovico Group chỉ phát sinh vài tỷ đồng doanh thu mỗi năm, con số này có thể nói chỉ ở mức "tượng trưng" so với khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sovico có mức lợi nhuận thường xuyên lớn hơn doanh thu nhưng cũng chỉ đạt vài tỷ đến vài chục tỷ đồng mỗi năm, ngoài trừ đột biến năm 2019 lãi ròng hơn 164 tỷ đồng.