Sau cú rung lắc ở Bangkok, mình hiểu vì sao "tờ giấy đó" lại quan trọng đến vậy!

Vừa qua, một trận động đất bất ngờ xảy ra tại khu vực gần Bangkok, khiến một tòa nhà 30 tầng sụp đổ hoàn toàn, nhiều công trình cao tầng khác bị rung lắc mạnh.

TP.HCM – chúng ta – may mắn chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. Nhưng điều làm mình suy nghĩ không phải là độ rung lắc, mà là, mình, cũng như nhiều người Việt Nam, vốn hay nhìn thấy Bangkok và TP.HCM có nhiều điểm tương đồng.

• Về khí hậu, địa hình – đều là vùng châu thổ, đất yếu

• Về đặc điểm đô thị – mật độ cao, xây chen, hạ tầng kỹ thuật áp lực

• Và khoảng cách địa lý – không xa nhau là mấy

==================

Mình nhớ về việc hồi tháng 12/2024, mình có một hợp đồng nghiên cứu thị trường & đề xuất phương án kinh doanh vận hành tòa nhà văn phòng hạng A với một quỹ đầu tư Nhật Bản, trong đó có yêu cầu rõ ràng:

[“Xác định các tiêu chuẩn xây dựng chịu động đất tại Thành phố Hồ Chí Minh và cung cấp thông tin về các tiêu chuẩn chịu động đất đã được áp dụng cho các Toà nhà đã trình bày.”

“Identify seismic construction standards in Ho Chi Minh and provide information on the seismic standards to which the presented options were constructed”]

tctd-sau-cu-rung-lac-o-bangkok-minh-hieu-vi-sao-to-giay-do-lai-quan-trong-den-vay-1743484634.jpg
 

Lúc đó, mình thật sự bối rối.

Vì cũng giống như nhiều người, mình từng nghĩ:

“Sài Gòn làm gì có động đất đâu mà cần hồ sơ này.”

Nhưng khi bắt tay vào làm, mình mới vỡ ra một sự thật đáng suy nghĩ:

• Rất ít tòa nhà tại TP.HCM có báo cáo kháng chấn đúng nghĩa

• Nhiều ban quản lý không thể trả lời, hoặc không biết tiêu chuẩn nào đã được áp dụng (hoặc có khi không muốn)

• Và đa phần các tòa xây trước 2012 thì 95% không có hồ sơ này

-------------------

Tại sao lại như vậy?

-------------------

Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế công trình chịu động đất – TCVN 9386:2012, dựa theo Eurocode 8 của châu Âu.

Đây là một phần trong hồ sơ thiết kế kết cấu, dành cho công trình cấp 1, công trình công cộng, hoặc nhà cao tầng.

Nhưng có 3 lý do khiến phần lớn các chủ đầu tư “lơ” tiêu chuẩn này:

1. Ban hành trễ (2012) – các tòa nhà trước đó gần như không có

2. Không bắt buộc khi xin phép xây dựng, nên nhiều bên chọn cắt giảm

3. Chi phí tăng nếu áp dụng:

o Phải thuê đơn vị có chuyên môn

o Thi công phải tuân thủ chặt hơn (nhiều thép hơn, kiểm định kỹ hơn)

----------------------------------------------

Vậy cách tính kháng chấn là gì, sơ bộ dễ hiểu?

----------------------------------------------

Nói đơn giản: kỹ sư kết cấu sẽ tính toán tải trọng động đất dựa vào vị trí địa lý (TP.HCM có chỉ số PGA ~0.05g), loại đất nền, và chiều cao/tần số dao động của tòa nhà.

Sau đó áp lực động đất được phân bổ lên từng tầng, để thiết kế dầm, cột, lõi thang… sao cho nếu có động đất xảy ra, công trình không bị sập hoàn toàn.

-------------------------------------------

Vì sao đối tác quốc tế lại yêu cầu điều này?

-------------------------------------------

• Đối tượng họ nhắm đến là các tập đoàn đa quốc gia, thuê dài hạn, yêu cầu cao về chuẩn an toàn – phòng cháy – kháng chấn

• Nếu có “tờ giấy đó”, họ sẽ dễ thuyết phục khách thuê, đặc biệt trong phân khúc hạng A

• Khi mình làm dự án với các quỹ từ Singapore, Châu Âu, hoặc làm chủ đầu tư cho các tòa nhà cho thuê cao cấp trước đây, họ luôn hỏi kỹ phần này – không phải vì sợ động đất, mà vì họ không muốn tranh cãi về trách nhiệm pháp lý nếu xảy ra sự cố

.

.

Họ kỹ, họ chậm, họ chấp nhận chi phí cao hơn – nhưng khi vận hành, họ được giá tốt hơn, lấp đầy nhanh hơn.

-------------------------------------------------

QUAY LẠI BANGKOK – VÀ BÀI HỌC CHO TP.HCM

-------------------------------------------------

Sau sự kiện động đất 7.7 tại Myanmar, hình ảnh một tòa nhà 30 tầng ở Bangkok bị sập hoàn toàn không chỉ gây chấn động truyền thông, mà còn khiến mình – và có lẽ nhiều người trong ngành – phải xem lại những giả định đã lâu mình từng tin:

“Bangkok có động đất chứ TP.HCM thì không đáng lo.”

Mình đọc lại các tài liệu kỹ thuật và thấy rằng, lý do Bangkok bị ảnh hưởng mạnh, còn TP.HCM hay Hà Nội hầu như không cảm nhận rõ, đến từ sự kết hợp của địa chất – đô thị – vị trí địa lý. (Đương nhiên mình vẫn cảm ơn vào sự chở che và được may mắn.)

------------------------------------------------

Dưới đây là một số nguyên nhân chính, có cơ sở

------------------------------------------------

1. Nền đất Bangkok yếu và dễ truyền rung chấn

• Bangkok nằm trên một lớp bùn mềm rất dày, đôi khi tới hàng chục mét – điều này giống như một lớp nệm hấp thụ và khuếch đại rung động, tạo ra hiệu ứng cộng hưởng khi có động đất.

• Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội có nền đất cứng và ổn định hơn:

o Hà Nội: lớp cát sét pha sỏi

o TP.HCM: đất thịt pha cát → Vì vậy, dao động từ động đất ở xa khó lan truyền rõ rệt đến mặt đất tại đây.

2. Đô thị cao tầng làm rung chấn dễ cảm nhận hơn

• Bangkok có mật độ cao các tòa nhà cao tầng, chọc trời – và ai làm kết cấu đều biết, tầng càng cao dao động càng lớn khi có chấn động nhẹ.

• TP.HCM tuy có những cụm cao tầng (Thủ Thiêm, Quận 1, Phú Mỹ Hưng...) nhưng mật độ vẫn còn thấp hơn nhiều so với Bangkok.

• Hà Nội chủ yếu vẫn là công trình thấp tầng và trung tầng, ít chịu ảnh hưởng theo chiều cao.

3. Khoảng cách và hướng lan truyền sóng địa chấn

• Tâm chấn động đất tại Myanmar nằm gần biên giới Thái Lan – Myanmar, chỉ cách Bangkok khoảng 1.000 km và nằm trực diện hướng lan sóng chính.

• TP.HCM và Hà Nội tuy không quá xa (1.500–1.800 km), nhưng nằm lệch hướng truyền nên mức rung lắc bị giảm đáng kể.

4. Hệ số khuếch đại sóng địa chấn theo khu vực

• Nhiều nghiên cứu địa chấn khu vực cho thấy Bangkok có hệ số khuếch đại sóng địa chấn cao gấp 2–3 lần so với TP.HCM hoặc Hà Nội.

• Lý do: lớp đất mềm ở Bangkok phản ứng mạnh với dao động nền, làm các công trình rung lắc nhiều hơn – dù cùng một cường độ sóng địa chấn truyền đến.

• Theo TS. Christian Málaga-Chuquitaype – chuyên gia kỹ thuật động đất từ Đại học Hoàng gia London:

“Trước năm 2009, Bangkok không có tiêu chuẩn bắt buộc về khả năng chịu động đất trong thiết kế xây dựng, nên các công trình cũ rất dễ tổn thương.”

Tóm lại:

Bangkok bị ảnh hưởng mạnh không chỉ vì gần hơn, mà vì yếu hơn:

“Yếu hơn” về nền đất, “cao hơn” về công trình, và “nằm đúng hướng” lan sóng địa chấn.

Trong khi TP.HCM và Hà Nội, dù có vẻ an toàn hơn trong sự kiện vừa qua, nhưng không thể lấy sự "may mắn" hiện tại làm lý do để bỏ qua tiêu chuẩn kỹ thuật quan trọng trong thiết kế đô thị bền vững.

----------------------------------------------------------

Từ rung chấn vật lý đến bài học chiến lược cho Chủ đầu tư

Đầu tư vào sự bền vững, không phải chỉ để “tránh rủi ro”

----------------------------------------------------------

Chúng ta vẫn thường nghĩ về "khả năng chống động đất" như một yêu cầu kỹ thuật. Nhưng nhìn rộng hơn, đó là một chỉ số của tư duy dài hạn – một dạng “hệ miễn dịch” của công trình, để vượt qua những bất định mà thị trường và thiên nhiên có thể mang lại.

Hồ sơ kháng chấn, hệ thống an toàn tòa nhà, lối thoát hiểm kép, tiêu chuẩn vận hành – tất cả những thứ đó không giúp bán được nhanh ngay hôm nay, nhưng sẽ quyết định bạn có ai dám thuê/mua vào ngày mai.

Các tập đoàn quốc tế, những người sẵn sàng thuê dài hạn, trả giá cao, không chỉ nhìn vào view đẹp hay vị trí đắc địa – họ nhìn vào rủi ro vận hành, tuổi thọ công trình, và khả năng tránh được một dòng kiện tụng pháp lý xuyên quốc gia chỉ vì thiếu... một bộ hồ sơ kỹ thuật.

Vì vậy, gởi lời nhắn, nếu bạn là:

• Một chủ đầu tư muốn nâng hạng sản phẩm

• Một nhà phát triển muốn tiếp cận khách thuê quốc tế

• Hay một nhà đầu tư đang nhìn vào giá trị dài hạn của tài sản

Hãy nghĩ về tiêu chuẩn chống động đất, cũng như PCCC, an toàn vận hành… như một phần trong định vị chiến lược.Không phải để phòng thủ, mà để nâng tầm sản phẩm, nâng uy tín và tăng khả năng chiếm lĩnh thị trường ở phân khúc khó tính nhất.

Những tòa nhà biết “chịu động đất” không chỉ tồn tại lâu hơn.

Chúng thu hút được những đối tác cũng bền bỉ và tầm vóc tương tự.

Theo Nhật Liễu Võ

Link nội dung: https://tctd.vn/sau-cu-rung-lac-o-bangkok-minh-hieu-vi-sao-to-giay-do-lai-quan-trong-den-vay-a3452.html