Nhóm mới thắng thế
Cuối tuần vừa qua, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường với nhiều nội dung mang tính bước ngoặt như chuyển trụ sở ra Hà Nội và miễn nhiệm ba thành viên cấp cao.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa các nhóm cổ đông.
Trước khi cuộc họp diễn ra đã lan truyền thông tin về sai phạm trong quản trị của nhà băng. Tiếp theo đó xuất hiện những thông tin không mấy tích cực xoay quanh cổ đông mới Gelex và tổng giám đốc tập đoàn này - ông Nguyễn Văn Tuấn, khi Eximbank công bố kế hoạch chuyển trụ sở chính ra Hà Nội.
Cả Eximbank và Gelex sau đó đã lên tiếng phủ nhận những thông tin "gây hoang mang dư luận" hoặc "bóp méo sự thật". Nhưng, những thông tin ồn ã ngoài lề khiến bầu không khí trở nên căng thẳng ngay trước thềm đại hội đồng cổ đông bất thường.
Những căng thẳng này gợi nhớ giai đoạn năm 2019 của Eximbank, khi những tình huống tương tự khiến cho ngân hàng này không thể tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông, các kế hoạch kinh doanh và chiến lược phát triển bị ngưng trệ.
Nhiều nhóm cổ đông chiến lược khi đó, bao gồm tập đoàn SMBC của Nhật Bản hay Tập đoàn Thành Công sau nhiều nỗ lực tìm tiếng nói chung bất thành, đã quyết định rút lui khỏi Eximbank.
Cạnh tranh quyết liệt giữa các nhóm cổ đông khiến cho đại hội đồng cổ đông bất thường kỳ này diễn ra khá căng thẳng.
Mặc dù vậy, đại hội có thể nói là thành công khi hầu hết những tờ trình được đưa ra, bao gồm việc chuyển trụ sở chính của Eximbank ra Hà Nội cũng như miễn nhiệm ba thành viên HĐQT, gồm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Ngo Tony, đều được thông qua.
Cả ba người đều bị miễn nhiệm theo kiến nghị của “nhóm cổ đông sở hữu trên 5%” cổ phần tại Eximbank. Trên thực tế, lượng cổ phiếu tán thành bãi nhiệm chiếm xấp xỉ 54% tổng số cổ phần ngân hàng.
Những người bị miễn nhiệm đều là đại diện cho những nhóm cổ đông có tầm ảnh hưởng lớn tại Eximbank. Ông Nam tự giới thiệu là người đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% vốn ở Eximbank, trong khi bà Tú là cựu Tổng giám đốc Nam Á Bank.
Bà Tú từng có thời gian đảm nhận vị trí chủ tịch Eximbank trước khi Gelex sở hữu lượng lớn cổ phần tại ngân hàng này. Bà Tú cũng là người trụ lại lâu nhất ở Eximbank giữa lúc ngân hàng liên tục biến động nội bộ từ 2019 đến nay.
Ông Nam và bà Tú cũng có mối liên hệ, khi ông Nam cho biết ở các cuộc họp HĐQT Eximbank mà ông vắng mặt, ông đã ủy quyền cho bà Tú tham gia.
Trong khi đó, ông Ngo Tony, Trưởng Ban kiểm soát, người có thư kiến nghị tới cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nêu các dấu hiệu rủi ro của Eximbank, được đưa vào danh sách miễn nhiệm chỉ vài ngay trước khi đại hội diễn ra.
Tại đại hội đồng cổ đông bất thường, cả ba đều phát biểu, nhấn mạnh những rủi ro và tính minh bạch tại Eximbank.
Nhìn vào kết quả bỏ phiếu, có thể thấy tỷ lệ ủng hộ ba thành viên bị miễn nhiệm cũng không hề nhỏ, với khoảng 41%. Tuy vậy, khác với những cuộc họp bất thành giai đoạn trước, những cổ đông mới tại Eximbank lần này đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi hầu hết các tờ trình đều được thông qua.
Điều gì chờ đợi ở phía trước?
Sự ‘rạn nứt’ giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank dường như mới tăng lên gần đây. Hồi tháng 4/2024, khi đại hội đồng cổ đông thường niên của ngân hàng được tổ chức, các tờ trình đều được thông qua với tỷ lệ đồng thuận rất cao, đa phần lên tới 99%.
Các hoạt động của Eximbank trong năm qua, bao gồm việc tăng vốn hay chia cổ tức tiền mặt, đòi hỏi sự chấp thuận từ phía Ngân hàng Nhà nước vẫn được triển khai đúng kế hoạch. Đây là điểm khác biệt so với giai đoạn bất ổn nội bộ trước đây.
Tuy nhiên, với những mâu thuẫn xảy ra vừa qua, các nhóm cổ đông trong Eximbank vẫn chưa có được sự đồng thuận như mong đợi.
Nhìn vào tỷ lệ biểu quyết tại đại hội bất thường vừa diễn ra, có thể thấy các tờ trình được thông qua có tỷ lệ ủng hộ gần 54%, trong khi tỷ lệ không đồng tình ở mức trên 40%. Những con số này cho thấy cán cân quyền lực giữa các nhóm cổ đông vẫn chưa hoàn toàn nghiêng hẳn về bên nào.
Theo quy định Luật Doanh nghiệp, một số quyết định quan trọng của đại hội đồng cổ đông chỉ được thông qua khi được số cổ đông đại diện ít nhất 65% hay 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông chấp thuận.
Cụ thể, đại hội phải được ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành đối với quyết định phương hướng phát triển công ty; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc hay thông qua báo cáo tài chính hàng năm.
Một số quyết định quan trọng hơn, như sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty, tổ chức lại, giải thể… cần tới 75% tổng số phiếu biểu quyết.
Đó cũng là lý do khi đầu tư, các nhà đầu tư thường chọn tỷ lệ vốn góp là 36%. Đây là mức tỷ lệ an toàn, để bảo toàn quyền quản lý của mình đối với công ty.
Trong quá khứ cũng có trường hợp lợi dụng quy định này để tối đa lợi ích.
Như tại đại hội cổ đông của Viscostone nhiều năm trước, khi cổ đông đại diện 36,39% cổ phần, liên minh giữa quỹ đầu tư nước ngoài Red River Holdings và Beira Ltd yêu cầu sửa đổi điều lệ để có một ghế trong hội đồng quản trị nhưng bị một vài cổ đông lớn khác phủ quyết. Nhóm Red River Holding sau đó đã dùng quyền phủ quyết toàn bộ nội dung hội đồng quản trị trình lên và đại hội cổ đông thất bại.
Quay lại đại hội cổ đông bất thường của Eximbank, không có tờ trình nào được thông qua với tỷ lệ trên 65%. Trong khi đó, nhóm không tán thành luôn ở mức trên 40%. Điều này dẫn tới việc tờ trình sửa đổi, bổ sung điều lệ phù hợp với nội dung thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Eximbank không được thông qua.
Có thể thấy, dù lép vế hơn, nhóm cổ đông không đồng thuận vẫn có tiếng nói mạnh mẽ với các kế hoạch của Eximbank trong tương lai. Cán cân quyền lực vẫn cần thêm thời gian mới có thể ngã ngũ.
https://stockbiz.vn/tin-tuc/eib-giang-co-can-can-quyen-luc-o-eximbank/29552514
Link nội dung: https://tctd.vn/eximbank-va-cuoc-chien-quyen-luc-can-can-chua-nghieng-ve-ben-nao-a2190.html