App Công dân số TP.HCM nhiều tiện ích

App Công dân số TP.HCM hứa hẹn là công cụ kết nối trực tiếp người dân với chính quyền TP. Người dân có thể phản ánh đến lãnh đạo TP và ngược lại nhận thông tin trực tiếp về các vấn đề nóng nhanh và chính xác.

tctdvn-app-cong-dan-so-tphcm-nhieu-tien-ich-1733104785.jpg
 

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Võ Thị Trung Trinh, giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, nói:

- Trong nhóm 12 tính năng đầu tiên của app Công dân số TP, nổi trội nhất là tính năng phản ánh của người dân qua tổng đài 1022. Người dân có thể gửi phản ánh, kiến nghị tới tổng đài 1022 các vấn đề bức xúc hằng ngày về hạ tầng như: điện lực, cấp thoát nước, viễn thông, giao thông, cây xanh...; các vấn đề quốc phòng an ninh; dịch vụ hành chính công... 

Bên cạnh đó, người dân có thể gửi ý kiến góp ý, hiến kế. Sau đó, người dân có thể theo dõi tiến độ, kết quả xử lý từ hệ thống 1022.

Công cụ phản ánh, theo dõi xử lý và nhận kết quả

* Việc phản ánh đến tổng đài 1022 qua app có khác gì gọi điện thoại trực tiếp đến 1022 và thông tin người dân có được bảo mật?

- Việc phản ánh đến tổng đài 1022 qua app Công dân số TP.HCM không khác cách gọi điện thoại trực tiếp đến tổng đài 1022. Người dân có thể chọn giấu tên với những thông tin, vụ việc nhạy cảm, tiêu cực.

Về cách phản ánh, người dùng đăng nhập vào app Công dân số TP.HCM qua tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam (tài khoản VNeID), vào mục "Dịch vụ của tôi" và nhắn tin tại chức năng "Phản ánh kiến nghị".

App Công dân số TP.HCM được xây dựng trên cơ sở tuân thủ các quy định tại nghị định của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định an toàn an ninh thông tin của Bộ Công an. Do đó thông tin dữ liệu người dùng được đảm bảo an toàn, bảo mật.

* TP đã chuẩn bị gì về hạ tầng và công nghệ để đảm bảo việc sử dụng trôi chảy và bảo mật cho người dân?

- Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM đã chuẩn bị hạ tầng công nghệ phù hợp để đảm bảo ứng dụng hoạt động ổn định, với khả năng đáp ứng lượng truy cập lớn và bảo mật thông tin cá nhân cao. 

Trung tâm sẽ theo dõi thường xuyên, liên tục về tình hình sử dụng tài nguyên và thực hiện nâng cấp ngay khi có cảnh báo về tình huống quá tải hệ thống. Công nghệ sẽ được nâng cấp thường xuyên...

* Nhiều tính năng của app Công dân số TP trùng với một số app phổ biến như VNeID, liệu có bị chồng chéo?

- App Công dân số TP.HCM tập trung vào sự giao tiếp, kết nối giữa công dân và chính quyền, cho phép người dân gửi phản ánh, kiến nghị và góp ý, hiến kế về các vấn đề mà mình quan tâm; theo dõi tiến độ xử lý của cơ quan chức năng; cũng như tra cứu dịch vụ công, sau này sẽ thêm tính năng thực hiện dịch vụ công...

Trong khi đó, app VNeID là hệ thống định danh điện tử quốc gia, hỗ trợ định danh và xác thực công dân ở phạm vi toàn quốc. 

Việc triển khai app Công dân số TP.HCM không nhằm mục đích thay thế VNeID mà để tích hợp định danh VNeID, giúp người dân đăng nhập chỉ một lần và sử dụng các tiện ích được ứng dụng cung cấp. Các chức năng của hai ứng dụng bổ sung cho nhau, không gây chồng chéo vì mục tiêu sử dụng khác nhau và tích hợp qua tài khoản định danh.

Sẽ tích hợp để tránh loạn app

* Vậy có cần cài thêm các app đã có trước đây như 1022 HCM, TP Thủ Đức... sau này có thể thêm cả app Dịch vụ công, Sổ sức khỏe điện tử...?

- App Công dân số TP.HCM hướng tới tích hợp nhiều tính năng từ các ứng dụng hiện có như: tổng đài 1022 HCM, VSS-ID và các ứng dụng sẽ bổ sung sau này như: app Dịch vụ công, Trật tự giao thông, Sổ sức khỏe điện tử, eTax mobile cùng các tiện ích khác vào một nền tảng chung nhằm giảm thiểu tình trạng "loạn app". 

Chúng tôi tin rằng với những lợi ích thiết thực mà app Công dân số TP.HCM cung cấp, cùng với nguồn thông tin chính thống và cập nhật, sự dễ dàng trong sử dụng sẽ giúp người dân yên tâm dùng tiện ích này. Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các tính năng, đồng thời lắng nghe ý kiến để tránh chồng chéo và tối ưu trải nghiệm.

* Người dân TP.HCM có bắt buộc phải cài đặt và sử dụng app Công dân số TP hay không?

- Việc này hoàn toàn tự nguyện. Người dân cài đặt và sử dụng sẽ có nhiều tiện ích trong việc tra cứu và theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, phản ánh kiến nghị... và tiếp nhận được các thông tin, thông báo chính thức từ chính quyền TP. Ngược lại, người không sử dụng app sẽ không tiếp cận các tiện ích này một cách trực tiếp và nhanh chóng, nhưng vẫn có thể thực hiện dịch vụ công qua các kênh truyền thống.

* Nhiều người dân hào hứng với việc phản ánh trực tiếp với lãnh đạo TP nhưng lại lo lắng việc phản hồi giải quyết vụ việc?

- Phản ánh kiến nghị qua tổng đài 1022 là một trong những tính năng nổi trội của app Công dân số TP.HCM. Qua app, người dân có thể theo dõi tiến độ xử lý và nắm bắt trực tiếp kết quả giải quyết.

Ứng dụng này không chỉ ghi nhận mà còn thông báo ngay khi có kết quả giải quyết hoặc có diễn tiến mới trong quá trình giải quyết, giúp người dân thấy rõ hơn vai trò và trách nhiệm của chính quyền trong xử lý các vấn đề mà họ quan tâm.

Hơn 10.500 lượt tải, gần 25.500 lượt truy cập

Ngày 1-12, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM cho biết đã ghi nhận hơn 10.500 lượt tải, gần 25.500 lượt truy cập app Công dân số TP.HCM chỉ sau hơn nửa tháng ra mắt. Cũng trong khoảng thời gian trên, chính quyền TP đã tiếp nhận hơn 700 phản ánh của công dân.

Nhiều người dân đã tải và sử dụng app có những nhận xét tích cực. "Ứng dụng cung cấp tin tức xã hội số, xem bản đồ, tra cứu thông tin, phản ánh đến chính quyền khá hay. Đặc biệt là các thông báo dạng cảnh báo nóng, rất hay trong các tình huống khẩn cấp, dịch bệnh...", anh Thế Mỹ (TP Thủ Đức) nhận xét.

"Ứng dụng có giao diện đẹp, dễ sử dụng. Tôi đã thử gửi một số phản ánh đến chính quyền qua app và đang chờ kết quả giải quyết. Mong sẽ là kênh giao tiếp thực sự giữa công dân và chính quyền TP", ông Gia Hiếu (quận Phú Nhuận) nói.

Xem thêm: https://tuoitre.vn/app-cong-dan-so-tp-hcm-nhieu-tien-ich-20241201225813817.htm#content

Link nội dung: https://tctd.vn/app-cong-dan-so-tphcm-nhieu-tien-ich-a2151.html