Đưa đồng Bitcoin vào quản lý: Tại sao không?

Việc quản lý tiền điện tử như Bitcoin là bước đi cần thiết, quan trọng trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và tài sản kỹ thuật số.

Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: “Có chuyện phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội nhưng phải làm. “Trí tuệ nhân tạo bây giờ khác lắm, mà rõ ràng ta thấy đời thực như thế nào thì đời ảo như thế” - Thủ tướng nói và đặt vấn đề trong thực tế Việt Nam vẫn giao dịch tiền Bitcoin, vậy tại sao không đưa vào quản lý? (theo báo Pháp luật TP.HCM, ngày 23/11/2024).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc quản lý tiền điện tử, như Bitcoin, là một bước đi cần thiết và quan trọng trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và các loại tài sản kỹ thuật số. Đây là chủ đề cần được xem xét kỹ lưỡng vì liên quan đến nhiều khía cạnh pháp lý, kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia.

tctd-dua-dong-bitcoin-vao-quan-ly-tai-sao-khong-1732523042.jpg
Nếu được quản lý chặt chẽ, tiền điện tử có thể trở thành một công cụ thúc đẩy nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo và hòa nhập với xu hướng toàn cầu.

Tại sao cần đưa tiền điện tử vào quản lý?

Từ thực tiễn phát triển của nền kinh tế số trên thế giới và thực tế ở Việt Nam trong những năm qua, tiền điện tử, như Bitcoin, đã không còn là khái niệm xa lạ. Ở nước ta, dù chưa được công nhận chính thức, các giao dịch tiền điện tử vẫn diễn ra, đôi khi không minh bạch và khó kiểm soát.

Việc tiền điện tử không được quản lý dẫn đến nhiều rủi ro, hệ lụy như rửa tiền, gian lận tài chính, lừa đảo, thất thoát thuế. Vì thế, nếu được quản lý chặt chẽ, tiền điện tử có thể trở thành một công cụ thúc đẩy nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo và hòa nhập với xu hướng toàn cầu.

Tuy nhiên để quản lý hiệu quả, cần xây dựng một khung pháp lý và chính sách rõ ràng, bao gồm các khía cạnh sau:

-Quy định pháp lý rõ ràng: Cần xác định đồng tiền điện tử nào được công nhận là phương tiện thanh toán hoặc tài sản kỹ thuật số. Hệ thống cấp phép cần quy định về cấp phép cho các sàn giao dịch, ví điện tử và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan.

-Quản lý rủi ro tài chính: Cần kiểm soát giao dịch cụ thể như đưa ra các quy định minh bạch về giao dịch tiền điện tử để phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đảm bảo thu thuế từ giao dịch tiền điện tử bằng cách thiết lập cơ chế báo cáo và khai thuế bắt buộc.

-Bảo vệ người tiêu dùng: Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng là tối cần thiết. Trước tiên cần minh bạch thông tin: yêu cầu các bên tham gia cung cấp thông tin rõ ràng và trung thực về sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời thành lập cơ chế giải quyết tranh chấp trong giao dịch tiền điện tử.

-Khuyến khích đổi mới: Cần hỗ trợ thử nghiệm (sandbox); cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới liên quan đến tiền điện tử trong môi trường được kiểm soát.

Ngoài ra cần học hỏi và hợp tác với các quốc gia đã triển khai quản lý tiền điện tử thành công.

tctd-dua-dong-bitcoin-vao-quan-ly-tai-sao-khong1-1732523085.jpg
Việc đưa tiền điện tử vào quản lý là bước tiến quan trọng trong xây dựng nền kinh tế số của Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu cho phép lưu thông tiền điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý:

-Công nghệ phức tạp: Tiền điện tử dựa trên blockchain, công nghệ có tính phi tập trung cao, gây khó khăn trong việc theo dõi và quản lý.

-Nhận thức xã hội: Một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu rõ về tiền điện tử, dẫn đến nguy cơ bị lừa đảo.

-Sự biến động: Giá trị tiền điện tử biến động mạnh, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư và thị trường tài chính.

Việc đưa tiền điện tử vào quản lý là bước tiến quan trọng trong xây dựng nền kinh tế số của Việt Nam. Tuy nhiên, cần đảm bảo cân bằng giữa quản lý và thúc đẩy đổi mới. Chính sách rõ ràng, minh bạch, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt tiềm năng của tiền điện tử trong khi giảm thiểu rủi ro.

“Vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, như Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, là phù hợp trong bối cảnh ngành công nghiệp công nghệ số đang phát triển nhanh chóng. Quản lý tiền điện tử cần có lộ trình: Giai đoạn đầu xây dựng khung pháp lý cơ bản, thử nghiệm các mô hình quản lý. Giai đoạn sau tăng cường hoàn thiện luật, mở rộng phạm vi áp dụng và kiểm soát.

Nhà báo: Lê Thọ Bình

--------------

Nguồn: viettimes

https://viettimes.vn/dua-dong-bitcoin-vao-quan-ly-tai-sao-khong-post180390.html?

Link nội dung: https://tctd.vn/dua-dong-bitcoin-vao-quan-ly-tai-sao-khong-a2071.html