Ông Đặng Thành Tâm: Tôi đang ở NewYork, các doanh nghiệp nước ngoài đều coi Việt Nam là "thiên đường đầu tư"

"Ngày ông Biden đến Việt Nam, ông ấy đã hứa giúp Việt Nam phát triển công nghệ sản xuất chip. Nhưng mới đây vì sao Intel hủy kế hoạch mở rộng? Đây là câu hỏi lớn. Bởi vì chúng ta chưa sẵn sàng. Chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao" – Ông Tâm nhấn mạnh

"Hiện nay kinh tế thế giới biến động lớn, các quốc gia nằm trong vòng xoáy của cuộc cạnh tranh kinh tế khốc liệt. Việt Nam may mắn khi nằm trong vòng xoáy đó nhưng có "lối thoát" riêng và thậm chí Việt Nam đang ở trong trục hưởng lợi của các làn sóng kinh tế này" - Ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Kinh Bắc (mã chứng khoán KBC) chia sẻ quan điểm này trong buổi tọa đàm do báo Đầu tư chứng khoán tổ chức vào sáng 23/7.

tctdvn-ong-dang-thanh-tam-toi-dang-o-newyork-cac-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-deu-coi-viet-nam-la-thien-duong-dau-tu-1721900831.jpg

 

Theo ông Tâm, tưởng là khó khăn, nhưng thực ra chúng ta đang chiếm một ưu thế nhất định trên trường quốc tế do nhiều nhà đầu tư đang chuyển dịch đầu tư về Việt Nam. Điều đó giúp Việt Nam duy trì sự tăng trưởng trong thời gian qua cũng như tiếp tục hưởng lợi trong tương lai.

"Một số doanh nghiệp có thể kêu ca, do một số hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng song tôi cho rằng so với thế giới Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng ít nhất và thời gian tới còn được hưởng lợi nhiều hơn nữa" – Ông Tâm nói.

Đang ở NewYork và tham gia tọa đàm của báo Đầu tư chứng khoán qua hình thức trực tuyến, ông Tâm nhấn mạnh về việc đã gặp nhiều doanh nghiệp lớn tại đây và các nhà đầu tư này đều muốn đến Việt Nam. Họ đánh giá Việt Nam là "thiên đường đầu tư" yên bình với các chính sách hỗ trợ rất tích cực từ Chính phủ, trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới "chao đảo".

Tuy nhiên, Chủ tịch Kinh Bắc (KBC) chỉ ra rằng, tăng trưởng tín dụng chưa cao so với kỳ vọng đồng pha với tình hình tăng trưởng nội địa của Việt Nam.

"Tôi cho rằng doanh nghiệp phải mạnh dạn đầu tư. Tôi có cảm giác mọi nguời đang lo lắng, vì lo lắng nên đầu tư kém đi. Nhưng là doanh nghiệp, chúng tôi nhìn nhận thị trường chung như vậy và thấy càng khó khăn doanh nghiệp càng phải vươn lên mạnh mẽ hơn nữa để tìm ra lối đi cho mình" – Ông Tâm chia sẻ.

Nhưng làm sao để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dòng dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài một cách hoàn hảo?

"Ngày ông Biden đến Việt Nam, ông ấy đã hứa giúp Việt Nam phát triển công nghệ sản xuất chip. Nhưng mới đây vì sao Intel hủy kế hoạch mở rộng? Đây là câu hỏi lớn. Bởi vì chúng ta chưa sẵn sàng. Chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao" – Ông Tâm nhấn mạnh.

Do đó, theo doanh nhân này, trước khi doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam thì chúng ta phải đi thẳng vào việc đào tạo nhân lực công nghệ cao.

"Ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT) tâm sự với tôi rằng mong muốn đào tạo nhân lực công nghệ cao nhưng nếu chỉ một mình FPT thì vẫn chưa đủ. Phải có sự quyết tâm từ Đảng, Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ chính sách khuyến khích đến tuyên truyền và chuẩn bị ngân sách mới đáp ứng đủ. Đào tạo một nhân lực để sản xuất chip (công nghệ nguồn) thậm chí phải đầu tư gấp 10 lần sản xuất công nghệ cao nói chung nên cần có cơ chế, chính sách, chiến lược cụ thể. Làm sao để những doanh nghiệp này nhận được hỗ trợ từ Nhà nước" – Ông Tâm nhấn mạnh.

Theo An ninh Tiền tệ

https://antt.nguoiduatin.vn/ong-dang-thanh-tam-toi-dang-o-newyork-cac-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-deu-coi-viet-nam-la-thien-duong-dau-tu-205242407075302978.htm

Link nội dung: https://tctd.vn/ong-dang-thanh-tam-toi-dang-o-newyork-cac-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-deu-coi-viet-nam-la-thien-duong-dau-tu-a1280.html