Tình trạng lao động mất việc tăng cao trong những tháng đầu năm 2023 và làn sóng cắt giảm lao động được dự báo vẫn có thể kéo dài đến hết năm. Mất việc, không có thu nhập, nhiều lao động lựa chọn nhận trợ cấp thất nghiệp trong lúc tìm kiếm công việc mới. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, hơn hết trong lúc này, chính sách bảo hiểm thất nghiệp phải đóng vai trò là bệ đỡ tốt để hỗ trợ thị trường lao động.

lao-dong-1686127381.jpg
 

PHÁT HUY HIỆU QUẢ LÀ BỆ ĐỠ HỖ TRỢ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG 

Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ghi nhận những tháng đầu năm 2023 có hơn 509.000 lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm. Trong đó, số lao động thôi việc, mất việc là 279.409 người; hơn 195.000 lao động bị giảm giờ làm; hơn 17.000 người bị ngừng việc, nghỉ việc không lương và hơn 8.300 người tạm hoãn hợp đồng lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, thống kê từ cơ quan này đã tiếp nhận 632.790 lượt người gửi hồ sơ, so với cùng kỳ giảm 2,8% và cũng giảm so với số lượt tư vấn giới thiệu việc làm là 651.062 trường hợp.

Tổng số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 4 tháng đầu năm là 274.592 người, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, và số hỗ trợ học nghề là 7.308 người, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2022. “Con số này đã được minh bạch và đẩy lên các cổng thông tin điện tử theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Nhấn mạnh về vấn đề làm sao để bảo hiểm thất nghiệp trở thành bệ đỡ trong thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định gắn với Luật Việc làm. Trong Luật Việc làm đã quy định rất rõ về đối tượng, phạm vi cũng như việc sử dụng của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bản chất đây là công cụ để góp phần quản trị thị trường lao động và là bệ đỡ cho thị trường lao động.

Theo Bộ trưởng, bảo hiểm thất nghiệp thời gian vừa qua đã hoạt động rất cố gắng, tuy nhiên cũng còn nhiều điều phải điều chỉnh. Vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã báo cáo Chính phủ nội dung về sửa đổi Luật Việc làm, trong đó có một chương về bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian tới, để bảo hiểm thất nghiệp thực chất phải là bệ đỡ cho thị trường lao động, Bộ trưởng cho rằng phải xử lý làm sao để khi người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn thì phải dùng bảo hiểm thất nghiệp này để hỗ trợ.

“Đặc biệt là quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại nghề nghiệp, miễn giảm chi phí hỗ trợ từ các nguồn kết dư quỹ khi kết dư được cao”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Theo Bộ trưởng, thông thường các kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng như các quỹ ngắn hạn sẽ được giữ lại khoảng 10% đến 20%. Hiện nay, kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 60.000 tỷ đồng. Thời gian vừa qua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thường vụ Quốc hội đã có quyết định chi 41.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp này, qua đó đã góp phần rất quan trọng nâng cao đời sống của người lao động lúc khó khăn.

“Cũng cần củng cố niềm tin, sự hào hứng của người tham gia. Tôi thấy đây là vấn đề cần phải quan tâm và trong hoàn cảnh hiện nay, với kết dư cao như vậy, cộng với một số quỹ khác nữa thì chúng tôi cũng đã đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội nghiên cứu và cần phải tính toán làm sao sử dụng kết dư này có hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

ĐẢM BẢO CHI TRẢ KỊP THỜI, ĐẨY ĐỦ ĐẾN NGƯỜI LAO ĐỘNG

Dự kiến việc hỗ trợ sẽ tập trung vào hai việc là hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng, bị mất việc làm và hỗ trợ về đào tạo. Bên cạnh đó, có thể cân nhắc giảm mức đóng vào quỹ để hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã và đề xuất với Thường trực Chính phủ các giải pháp cụ thể, còn chi tiết thì trong quá trình sửa Luật Việc làm thì sẽ báo cáo với Quốc hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói thêm.

Giải trình thêm về vấn đề có nên dùng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động mất việc tại phiên chất vấn sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, quỹ này đã phát huy hiệu quả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng việc làm trong giai đoạn Covid-19 vừa qua.

Năm 2021, đã chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho những người lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hơn 30,8 nghìn tỷ đồng, đến năm 2023 số dư quỹ còn khoảng 60.000 tỷ đồng.

“Hiện nay chúng tôi đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động để trình với Chính phủ và trình với Thường vụ Quốc hội, dự kiến sẽ chi khoảng tầm 23.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này. Như vậy, số dư quỹ sẽ còn lại khoảng hơn 39.400 tỷ đồng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói và cho rằng, các chính sách bảo hiểm luôn dành hỗ trợ người lao động trong những giai đoạn khó khăn bằng mọi cơ chế.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mặc dù số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đều tăng nhưng việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng. Qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã giải quyết cho 376.000 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; trong đó 368.028 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 7.995 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.

Hiện cả nước có khoảng 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt tỷ lệ bao phủ là trên 30% lực lượng lao động trong độ tuổi.